++ Chào mừng các bạn đến với Xét nghiệm Y học ++ Website chia sẻ các kiến thức về Xét nghiệm Y học ++ Mọi ý kiến xin đóng góp xin gửi về xetnghiemyhocvn@gmail.com

Tuesday, February 3, 2015

Virus viêm não Nhật Bản (Japanese Encephalitis Virus )


Được gọi là virus viêm não Nhật Bản bởi vì virus này được Hayshi phát hiện năm 1934 tại Nhật Bản. Ngoài ra, do virus thuộc nhóm Flavivirus của Arbovirus cho nên được gọi là virus viêm não Nhật Bản B.

1. Đặc điểm sinh vật

1.1. Hình thể và cấu trúc

Virus viêm não Nhật Bản có hình cầu đường kính khoảng 40-50nm, capsid đối xứng hình khối 20 mặt và chứa duy nhất ARN một sợi dương. Envelop bản chất là lipoprotein.
Virus viêm não Nhật Bản
Virus viêm não Nhật Bản




1.2. Sức đề kháng

Giống như virus dengue, virus viêm não Nhật Bản dễ dàng bị tiêu diệt bởi các dung môi hoà tan lipid (ether, xà phòng, formalin…), tia cực tím và nhiệt độ cao. Ở 600C bị tiêu diệt sau 30 phút, ở 4oC bị tiêu diệt sau vài giờ, nhưng nếu bảo quản trong dung dịch glycerol 50% hoặc đông lạnh ở -70oC thì có thể tồn tại hàng tháng đến hàng năm.

1.3. Nuôi cấy

Virus viêm não Nhật Bản có thể nuôi cấy trên các tế bào thận khỉ, tế bào thận lợn, đặc biệt là phát triển rất tốt ở tế bào muỗi C6/36. Ngoài ra, virus này cũng có thể nuôi cấy được trên chuột nhắt trắng 1-3 ngày tuổi (phát triển làm cho chuột liệt) và cấy vào lòng đỏ trứng gà ấp được 8-9 ngày ( sau 48-96 giờ virus làm bào thai chết).

1.4. Kháng nguyên

Cũng như các virus thành viên của nhóm Flavivirus, virus viêm não Nhật Bản có kháng nguyên trung hoà, kháng nguyên ngăn ngưng kết hồng cầu và kháng nguyên kết hợp bổ thể. Trong đó, kháng nguyên ngăn ngưng kết hồng cầu có phản ứng chéo với các virus cùng nhóm.

2. Dịch tễ học và khả năng gây bệnh

2.1. Dịch tễ học

Bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành ở vùng Viễn Đông từ Nga đến Indonesia, từ Guam đến Ấn Độ. Các vụ dịch thường xảy ra vào mùa hè. Virus được duy trì ở các động vật có xương sống hoang dã, một số loài chim (chim liếu điếu) và đặc biệt ở một số loài gia súc chăn nuôi như lợn, bò, chó, ngựa….Vectơ truyền bệnh là muỗi Culex và Aedes, trong đó muỗi Culex tritaeniorhynchus là vector chính. Do muỗi có thể duy trì virus qua mùa đông, cho nên sự lây truyền cao.

2.2. Khả năng gây bệnh

Ngoài khả năng gây bệnh cho người, virus viêm não Nhật Bản có thể gây bệnh cho chuột trắng hoặc các loài chim như: gà, cò…

Ở người, sau khi bị muỗi truyền virus viêm não Nhật Bản thường ở dạng nhiễm trùng thể ẩn hoặc không điển hình. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, biểu hiện lâm sàng thường ở hai thể sau đây:

- Thể nhẹ: Bệnh nhân chỉ đau đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi trong1-3 ngày.

- Thể nặng: Do có tổn thương não, nên từ các triệu chứng nhẹ đột ngột xuất hiện các triệu trứng nặng như: đau đầu dữ dội, sốt cao, rối loạn cảm giác, rối loạn vận động và thường có rối loạn ý thức ở nhiều mức độ. Khoảng 10-12% bệnh nhân tử vong trong "cơn bão táp", các bệnh nhân thoát khỏi thời kỳ nặng có thể có các biến chứng về thần kinh và tâm thần.

3. Chẩn đoán vi sinh

3.1. Phân lập và xác định virus

Bệnh phẩm: Có thể lấy từ máu và dịch não tuỷ bệnh nhân sau khi phát bệnh 1-3 ngày hoặc não tử thi chết chưa quá 6 giờ. Ngoài ra, có thể lấy bệnh phẩm là vectơ truyền bệnh (Culex tritaeniorhynchus ).

Phân lập: Người ta thường dùng hai kỹ thuật sau để phân lập virus viêm não Nhật Bản:

- Kỹ thuật phân lập trên chuột nhắt trắng 1-3 ngày tuổi.

- Kỹ thuật phân lập trên tế bào muỗi C6/36.

Xác định: Thường xác định virus này bằng 3 phương pháp:

- Kỹ thuật ngăn ngưng ngăn kết hồng cầu.

- Kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang.

- Kỹ thuật ELISA.

3.2. Chẩn đoán huyết thanh

Là phương pháp chủ yếu. Hiện nay thường dùng ELISA để tìm động lực kháng thể giữa huyết thanh lấy lần 1 và lần 2.

4. Phòng bệnh và điều trị

4.1. Phòng bệnh

- Phòng bệnh không đặc hiệu: Chủ yếu là hạn chế, tiêu diệt muỗi truyền bệnh và hạn chế- tránh muỗi đốt.

- Phòng bệnh đặc hiệu: Tiêm phòng vaccin cho trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là ở những vùng có dịch lưu hành.

4.2. Điều trị

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu virus, chủ yếu là điều trị triệu chứng kết hợp với chăm sóc điều dưỡng. Đối với thể nặng thì phải điều trị kịp thời, tránh các biến chứng và phải phục hồi chức năng cho bệnh nhân ở giai đoạn lui bệnh.

No comments:

Post a Comment