++ Chào mừng các bạn đến với Xét nghiệm Y học ++ Website chia sẻ các kiến thức về Xét nghiệm Y học ++ Mọi ý kiến xin đóng góp xin gửi về xetnghiemyhocvn@gmail.com

Tuesday, October 7, 2014

Các phương pháp khử trùng, tiệt trùng trong phòng xét nghiệm


1. Môt số khái niệm

- Tiệt trùng (sterilization) là các biện pháp loại bỏ hoàn toàn hoặc phá huỷ mọi dạng sống của vi sinh vật. Quá trình này được thực hiện bằng phương pháp hoá học hoặc lý học, bằng nhiệt khô, nhiệt ướt hoặc khí ethylene oxide (EO). Khi hoá chất được sử dụng cho mục đích phá huỷ mọi dạng sống của vi sinh vật bao gồm cả nha bào và nấm thì hoá chất đó được gọi là chất tiệt khuẩn. Nếu cũng các hoá chất đó được sử dụng trong khoảng thời gian tiếp xúc ngắn hơn thì nó là chất khử trùng.
- Khử trùng (decontamination) là quá trình loại bỏ gần hoàn toàn hoặc hoàn toàn vi sinh vật, trừ các dạng nha bào bằng cách ngâm dụng cụ vào trong dung dịch hoá chất hoặc bằng phương pháp Pasteus. Theo định nghĩa khử trùng không giống tiệt trùng ở chỗ nó không diệt được nha bào. Tuy nhiên, một số chất khử trùng mới vẫn có thể diệt được nha bào nếu thời gian tiếp xúc đủ lâu (6 - 10 giờ). Như vậy, sản phẩm này được gọi là chất tiệt trùng.
- Vô trùng (aspetic) là một quá trình ngăn chặn hay dự phòng sự xâm phạm của vi sinh vật đến các dụng cụ chuyên môn, tới phòng mổ, buồng tiêm, buồng thay băng, buồng pha chế thuốc hoặc vết thương, vết mổ...
- Tẩy uế (disinfection) là các biện pháp dùng hoá chất nhằm phá huỷ vi sinh vật có trên các dụng cụ, làm cho các dụng cụ đó trở nên an toàn khi xử lý chúng.
- Sát trùng (aetiseptic) là dùng các hoá chất để phá huỷ vi sinh vật, nhưng thực hiện trên tổ chức sống (trên da, răng, miệng) và trên các dụng cụ. Các hoá chất này tương đối ít độc hơn chất dùng để tẩy uế.
- Làm sạch là quá trình loại bỏ hoàn toàn các chất ngoại lai ra khỏi dụng cụ, thường được thực hiện bằng nước và xà phòng. Làm sạch được thực hiện trước mọi quá trình khử trùng và tiệt khuẩn.

2. Kỹ thuật tiệt trùng
2.1. Khí nóng khô (Tủ sấy)
2.1.1. Chỉ định
Dùng để tiệt trùng các dụng cụ mà không thể cháy được, thường là dụng cụ thuỷ tinh như ống nghiệm, ống hút, hộp lồng petri...

2.1.2. Nguyên lý
Ở 170°c - 180°c/1 giờ hoặc 160°C/2 giờ tất cả các vi khuẩn và nha bào đều bị diệt.

2.1.3. Thời hạn sử dụng sau khi sấy khô
Dụng cụ sấy vô trùng có thể dùng trong 7 ngày. Khi để quá thời gian phải sấy lại.

2.1.4. Bảo quản tủ sấy
Lau chùi thường xuyên 1 tuần /1 lần 

2.2. Nhiệt ướt dưới áp lực cao (dùng lò hấp ướt Autociave)
2.2.1. Chỉ định
Đây là phương pháp khử trùng rất tốt và thường được dùng tại các bệnh viện, các phòng thí nghiệm và các cơ sở y tế để khử trùng dụng cụ kim loại, cao su, nhựa, băng gạc, môi trường, hoá chất...

2.2.2. Nguyên lý
Trong một lò kín không có không khí, chỉ có hơi nước, khi áp lực hơi nước tăng thì nhiệt độ cũng tăng theo một tương quan nhất định. Khi nhiệt độ duy trì ở 110 -121°c/ 30 phút, tương ứng với áp lực 1-1,2 atmotphe các vi khuẩn và nha bào đều bị diệt.

2.2.3. Hạn sử dụng sau khi hấp ướt
Dụng cụ hấp ướt chỉ dùng trong 3 ngày. Môi trường trong bình kín hoặc ống nghiệm có thể giữ được một tuần.

2.3. Tia Gamma
2.3.1. Chỉ định
Tiệt trùng các dụng cụ bông băng trong các túi đóng sẵn, chỉ katgut, catheter.

2.3.2. Nguyên lý
Bức xạ ion hoá giàu năng lượng có thể giết chết vi sinh vật.

2.4. Ethylenoxid và formaldehyd

2.4.1. Chỉ định
Ethylenoxid là một chất độc, gây dị ứng, kích thích niêm mạc mạnh và dễ cháy, ngoài ra nó còn là chất gây ung thư. Khi sử dụng phải hết sức thận trọng.

2.4.2. Nguyên lý
Dựa trên phản ứng hoá học, nhờ hoạt tính của nguyên tử oxy trong cấu tạo phân tử của ethylenoxid (CH2OCH2).

2.5. Tanh-dan (Tyndan)
Đun cách thuỷ <100°c 3 lần liên tiếp cách nhau 12 - 24 giờ, mỗi lần 15 - 50 phút. Dùng tiệt trùng ở những chất dễ bị hỏng hoặc giảm chất lượng ở 100°c.

2.6. Lọc vô trùng
Dùng cho vacxin, huyết thanh và các dung dịch nhạy cảm nhiệt độ.

3. Kỹ thuật khử trùng
3.1. Biện pháp vật lý
3.1.1. Hơi nước nóng (luộc sôi)
- Chỉ định: Khử trùng bơm kim tiêm, dụng cụ tiểu phẫu thuật. Khử trùng quần áo, chăn màn, các dụng cụ đã dùng của người bệnh.
- Nguyên lý: Hơi nước nóng 80-100°C có thể giết được các tế bào sinh trưởng ở trạng thái tự do trong vài phút. Khử trùng bằng cách đun sôi ở 100°C/30 phút.

3.1.2. Đốt
- Lò đốt nhỏ để đốt xác động vật thí nghiệm, bông gạc bẩn.
- Cồn đốt các dụng cụ tiểu phẫu thuật.
- Đèn cồn, đèn gaz khử trùng miệng ống nghiệm, đầu que cấy.

3.1.3. Tia cực tím (U.V)
- Chỉ định: khử trùng không khí phòng mổ, phòng vô trùng, nước. Tia cực tím có thể gây viêm kết mạc và giác mạc.
- Nguyên lý: tia cực tím (U.V) bước sóng 13,6 - 400nm, nhất là 257nm, có tác dụng khử tràng. Liều 100 - 500 Wsec/cm2 diệt được 90% các loài vi khuẩn, không diệt được nha bào và bào tử nấm.
- Cơ chế tác dụng: cấu trúc các phân tử của vi sinh vật như acid nucleic bị biến đổi khi hấp thụ bức xạ này, dẫn đến đột biến làm hỏng chất liệu di truyền và chết.

3.2. Biện pháp hóa học
3.2.1. Cồn
- Cồn không diệt được nha bào. Tác dụng với virus còn có nhiều ý kiến khác nhau. Thường dùng dung dịch ethanol 80%, iopropaeol 70% và propanol 60% để khử trùng da, bàn tay trong phẫu thuật và vệ sinh phòng bệnh. Những dung dịch đặc hơn do hút nước trong tế bào ra mạnh nên hiệu quả kém hơn.
- Ưu điểm là thời gian tác dụng ngắn, có khả năng thấm vào da kể cả lỗ chân lông và tuyến mồ hôi. Nhược điểm là bay hơi nhanh và dễ cháy.

3.2.2. Phenol và các dẫn xuất của phenol
- Thường dùng dung dịch phenol 0,5-4%.
- Không diệt được nha bào và viras nhưng vững bền so với các chất sát khuẩn khác.
- Phenol có thể ăn mòn da, niêm mạc và gây độc thần kinh.

3.2.3. Nhóm Halogen
Phản ứng oxy hoá xảy ra nhanh và không quay trở lại. Halogen hoá chậm hơn, không mạnh bằng. Những phản ứng này xảy ra với nhiều chất hữu cơ khác nhau, sẽ làm giảm hoạt tính sát khuẩn trong những dung dịch có nhiều chất bẩn hữu cơ hay các chất oxy hoá và halogen hoá khác, nhất là amoniac.
Halogen có phổ tác dụng rộng và tác dụng trong thời gian ngắn. Nhược điểm là phản ứng không đặc hiệu xảy ra rất nhanh với nhiều chất hữu cơ khác nhau, hiệu quả khử trùng kém khi vật khử trùng dính nhiều đờm, mủ... Khí clo có tính độc, có thể dị ứng với iốt.
- Clo để thanh khuẩn nước ăn.
- Clorua vôi khử trùng chất nôn, chất thải.
- Chloramin tinh kiết 1% để khử trùng bàn tay trong 5 phút.
- Chloramin 1% để khử trùng dụng cụ phải ngâm trong 20 phút.
- Chloramin 1,5-2,5% để khử trùng đồ vải và tẩy uế trong 2-12 giờ.
- Dung dịch iốt (betadin) và dung dịch cồn iốt 7%, KI 3%, cồn 90° được sử dụng nhiều để sát trùng da.

3.2.4. Muối kim loại nặng
- Tác dụng chế khuẩn, không diệt được nha bào, virus và khả năng diệt các vi khuẩn kháng acid yếu.
- Phenol borat thuỷ ngân để sát trùng vết thương, da và niêm mạc.
- Thuốc nhỏ mắt Argerol có muối bạc.

3.2.5. Aldehyd
- Quan trọng nhất là Formaldehyd (Formon) dung dịch 0,5-5,0% và khí 5g/cm .
- Tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, nấm và virus. Nếu đủ thời gian và nhiệt độ cao còn diệt được cả nha bào.
- Formaldehyd kích thích da và niêm mạc, có thể dẫn tới dị ứng và gây ung thư.
+ Dung dịch nước để lau chùi sàn nhà và đồ dùng.
+ Khí dùng để khử trùng không khí và máy móc lớn.

3.2.6. Các chất oxy hoá
Oxy già (H2O2), thuốc tím (KMnO4) và xanh methylen được pha thành dung dịch lỏng, dùng làm chất sát khuẩn bôi ngoài da.

3.2.7. Acid và bazơ
Acid và bazơ có tác dụng diệt khuẩn vì tính điện phân thành H+ và OH-.


No comments:

Post a Comment