++ Chào mừng các bạn đến với Xét nghiệm Y học ++ Website chia sẻ các kiến thức về Xét nghiệm Y học ++ Mọi ý kiến xin đóng góp xin gửi về xetnghiemyhocvn@gmail.com

Thursday, October 2, 2014

Giardia intestinalis - Trùng roi đường tiêu hóa



1. Hình thể


- Thể hoạt động : Trùng roi hình bầu dục, đối xứng rất dễ phân biệt với các loại khác, có 2 nhân như 2 mắt kính. Nếu nhìn nghiêng giống như hình thìa.

Kích thước của trùng roi dài 10-20mm, rộng 6-10mm, có 8 roi đi về phía sau, các roi xuất phát từ 2 hạt gốc roi. Nguyên sinh chất có nhiều hạt nhỏ.

- Bào nang: Bào nang hình bầu dục, dài 8-12mm rộng 7-10mm, thường có 2 nhân, 2 lớp vỏ, có thể thấy vệt roi dọc giữa bào nang. Nguyên sinh chất lấm tấm hạt nhỏ.


2. Chu kỳ phát triển

G.intestinalis thường ký sinh ở tá tràng và ruột non. Một số ít trường hợp ký sinh ở đại tràng. Khi ký sinh , trùng roi bám vào niêm mạc bằng đĩa bám ở cạnh nhân và có thể luồn sâu vào tuyến ruột và lớp dưới niêm mạc ruột, lấy thức ăn dưới dạng chất dinh dưỡng hoà tan trong môi trường lỏng. Sinh sản chủ yếu là vô tính. Bào nang được bài xuất ra ngoài theo phân. Người ăn phải bào nang vào cơ thể gặp điều kiện thuận lợi phát triển thành thể hoạt động và ngược lại, khi gặp điều kiện không thuận lợi thể hoạt động có thể chuyển thành thể bào nang.

3. Tác hại:
- Viêm ruột, rối loạn tiêu hoá: Bệnh nhân đau bụng, ỉa chảy kéo dài.

- Có thể gây viêm túi mật hoặc gan: Đôi khi trùng roi từ tá tràng xâm nhập vào ống mật gây viêm.

- Gây suy dinh dưỡng ở trẻ em do ngăn cản hấp thu thức ăn

4. Chẩn đoán

- Soi tươi phân tìm trùng roi thể hoạt động hoặc bào nang.

- Nhuộm phân bằng phương pháp Hematoxylin sắt.

- Nuôi cấy: Nuôi cấy Giardia intestinal rất khó, hiện nay mới bắt đầu nuôi cấy được trong môi trường phức tạp và chưa nuôi cấy dài ngày được.

5. Dịch tễ học:

G.intestinalis là trùng roi phổ biến, bệnh gặp ở trẻ em nhiều hơn. Qua một số điều tra thấy tỉ lệ ở người lớn 1-10%, trẻ em 15%.

- Bào nang đóng vai trò quan trọng trong truyền bệnh vì sức đề kháng ở ngoại cảnh cao. Hơn nữa, số lượng bào nang bài xuất ra ngoài của người mắc bệnh rất cao, mỗi ngày tới 900 triệu bào nang. Trong nước bào nang sống được 5 - 6 tuần, trong phân bào nang sống được 3 tuần.

6. Phòng bệnh và điều trị
- Phòng bệnh:

1. Xử lý và quản lý phân tốt.

2. Vệ sinh ăn uống, đảm bảo nguồn nước sạch.

3. Phát hiện và điều trị những người mang bào nang.

- Điều trị: Flagyl, metronidazol.

3 comments: