++ Chào mừng các bạn đến với Xét nghiệm Y học ++ Website chia sẻ các kiến thức về Xét nghiệm Y học ++ Mọi ý kiến xin đóng góp xin gửi về xetnghiemyhocvn@gmail.com

Wednesday, October 8, 2014

Thao tác vô trùng trong phòng xét nghiệm


1.  Khái niệm và tầm quan trọng
1.1. Khái niệm
Thao tác vô trùng là tất cả những việc làm trong quá trình thực hiện một quy trình kỹ thuật, không để cho vi sinh vật từ môi trường hoặc từ người thực hiện nhiễm vào đối tượng, vật liệu xét nghiệm và ngược lại.

1.2. Tầm quan trọng
Thao tác vô trùng là kỹ thuật quan trọng trong xét nghiệm vi sinh vật. Nếu không thực hiện đúng thao tác vô trùng có thể dẫn đến những hậu quả sau:

1.2.1. Hỏng vật liệu xét nghiệm
Tất cả các môi trường nuôi cấy vi sinh vật đều đòi hỏi phải vô trùng. Môi trường nuôi cấy vi sinh vật nếu bị bội nhiễm và không được bảo quản lạnh thì sẽ bị hỏng. Ngoài môi trường nuôi cấy, các sinh phẩm như kháng huyết thanh, kháng nguyên, bệnh phẩm và một số hoá chất... cũng có đủ điều kiện cho vi sinh vật bội nhiễm phát triển và làm hỏng.

1.2.2. Không đánh giá được kết quả hoặc làm sai lệch kết quả
Nếu vật liệu xét nghiệm bị bội nhiễm không được kiểm tra phát hiện, hoặc bị bội nhiễm trong quá trình thực hiện kỹ thuật, có thể làm hỏng hoàn toàn xét nghiệm không đánh giá được kết quả. Khi lấy bệnh phẩm hoặc trong quá trình phân lập nếu bị bội nhiễm, vi sinh vật bội nhiễm có thể phát triển lấn át vi sinh vật là căn nguyên của bệnh nhiễm trùng. Đối với những vi sinh vật gây bệnh cơ hội nhiều khi rất khó xác định vi sinh vật phân lập được có phải là căn nguyên hay chỉ là bội nhiễm. Nếu môi trường định danh tính chất sinh vật hoá học bị bội nhiễm sẽ dẫn đến định danh sai, làm cho kết quả không phù họp. 

1.2.3. Làm mất hoặc biến đổi vi sinh vật đang lưu giữ
Các vi sinh vật được giữ chủng trong những môi trường thích hợp. Quá trình lưu giữ này phải đảm bảo vô trùng tránh không để bị nhiễm các vi sinh vật từ bên ngoài vào, làm cho các vi sinh vật được giữ bị lấn át hoặc có sự trao đổi chất liệu di truyền gây biến chủng.

1.2.4. Ô nhiễm môi trường
Vi sinh vật từ các loại bệnh phẩm, từ môi trường nuôi cấy có thế gây nhiễm ra môi trường sống bên ngoài.

1.2.5. Gây nhiễm trùng cho cán bộ y tế và bệnh nhân
Trong quá trình thực hiện kỹ thuật, nếu không thực hiện đúng, các thao tác vô trùng, người làm xét nghiệm, có thể bị nhiễm trùng hoặc trong quá trình lấy mẫu xét nghiệm trên bệnh nhân, nếu không thực hiện đúng thao tác vô trùng có thể gây nhiễm trùng cho bệnh nhân.

2.  Các dụng cụ cần thiết để tiến hành cấy vô trùng
2.1. Phòng xét nghiệm
Được khử trùng: phòng xét nghiệm phải được khử trùng bằng hoá chất sát trùng thích hợp.
Không có luồng gió lưu thông: Tất cả các cửa phòng xét nghiệm đều phải đóng kín và không sử dụng quạt.

2.2. Bốc vô trùng

2.3. Đèn khử trùng: dùng đèn cồn để khử trùng que cấy trong quá trình xử lý, nuôi cấy, phân lập vi sinh vật

2.4. Các dụng cụ vô trùng khác: đĩa petri, ống nghiệm, pipet... phải tiệt trùng.

2.5. Trang thiết bị bảo hộ cho người làm xét nghiệm
Mũ, khẩu trang, áo choàng...

3. Môt số thao tác vô trùng cơ bản
3.1. Tiệt trùng que cấy
- Tiệt trùng que cấy trước khi lấy mẫu xét nghiệm: Đưa que cấy vào ngọn lửa đèn cồn, giữ que cấy đứng thẳng, để cho vòng tròn đầu kim loại chìm 
trong nửa trên của ngọn đèn, khi đầu que nóng đỏ thì cho que cấy nằm ngang rồi đẩy lên phía trên để tiệt trùng tiếp phần thân que cấy.
- Tiệt trùng que cấy sau khi sử dụng: Que cấy phải được tiệt trùng sau khi sử dụng. Thao tác giống như tiệt trùng que cấy trước khi lấy mẫu xét nghiệm

Đốt que cấy trên ngọn lửa đèn cồn


3.2. Thao tác với ống nghiệm
- Trước khi mở nút, ống nghiệm phải được cầm nghiêng một góc nhỏ hơn 45 độ so với mặt phẳng ngang. Nếu ống nghiệm mở ở tư thế đứng thẳng hoặc nghiêng một góc lớn, bụi bẩn hoặc các vi sinh vật trong không khí có thể rơi vào trong ống nghiệm gây nhiễm bẩn.
- Ngay sau khi mở và trước khi nút, ống nghiệm phải được hơ trên ngọn lửa đèn cồn, nhằm mục đích tiêu diệt các vi sinh vật bám ở miệng và phần thành ống sát miệng. Hơ đủ nóng, vừa hơ vừa xoay để toàn bộ miệng ống được nóng đều. 
  
Tư thế cầm ổng nghiệm 


3.3. Cách để đĩa petri
- Trên bàn: Khi đĩa petri không được gói để trên bàn thì nắp phải ở trên. Nếu để đĩa lật ngược bụi hoặc vi sinh vật trong không khí sẽ rơi vào khe giữa nắp và đĩa, vì vậy có thể rơi vào môi trường nuôi cấy.
- Trong tủ ấm: Sau khi đã cấy hoặc làm kháng sinh đồ, đĩa petri được đặt ngược trong tủ ấm (nắp ở phía dưới) để hạn chế sự bay hơi nước từ môi trường thạch.
 
Đĩa petri đặt ở trên bàn tư thế đúng (a) và sai (b)



3.4. Cấy phân vùng trên môi trường phân lập
Phân lập một loại vi khuẩn là kỹ thuật nhằm tách vi khuẩn đó từ một mẫu xét nghiệm có thể có nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Kết quả của quá trình này là có được vi khuẩn thuần nhất

Kỹ thuật cấy phân vùng được thực hiện theo trình tự sau:
- Lấy mẫu cần phân lập vi khuẩn đưa vào môi trường: Dùng que cấy vô trùng lấy mẫu đặt vào một vị trí gần rìa đĩa môi trường.
- Tạo vùng thứ nhất: Dùng que cấy đã tiệt trùng ria qua nơi đã đặt mẫu xét nghiệm tạo thành một vùng chiếm khoảng 1/4 diện tích đĩa môi trường.
- Tạo vùng thứ hai: Đốt que cấy để tiệt trùng sau đó ria để tạo vùng thứ hai. Những đường ria đầu tiên cắt vào một đầu các đường ria cuối của vùng thứ nhất. Diện tích vùng thứ hai chiếm khoảng 1/3 diện tích đĩa môi trường.
- Tạo vùng thứ ba: Đảo mặt que cấy rồi ria tạo vùng thứ ba, cách làm tương tự như ria tạo vùng thứ hai. Diện tích vùng thứ ba cũng chiếm khoảng 1/3 diện tích đĩa môi trường.
Chú ý: Các đường ria cấy càng xít nhau càng tận dụng được diện tích bề mặt môi trường để dàn mỏng mẫu xét nghiệm. 
Sơ đồ cấy phân vùng trên đĩa môi trường phân lập



3.5. Cấy vi khuẩn lên môi trường thạch nghiêng




Môi trường đặc được đun nóng hoá lỏng, đổ vào ống nghiệm, giữ ống ở tư thế nghiêng thích họp, chờ thạch đặc lại sẽ được ống thạch nghiêng.

Kỹ thuật cấy trên thạch nghiêng được thực hiện theo trình tự sau:
- Dùng que cấy vô trùng lấy vi khuẩn, nếu là huyền dịch thì lấy một ăng cấy, nếu là khuẩn lạc thì chạm đầu que cấy lên mặt khuẩn lạc là đủ.
- Mở nút ống môi trường, khử trùng miệng ống, rồi đặt đầu que cấy đã lấy vi khuẩn vào chỗ thấp nhất của mặt thạch, ria đi ria lại nhiều làn, sau đó vừa ria vừa đưa dần que cấy lên cao đến hết mặt thạch.
- Khử khuẩn miệng ống rồi nút ống môi trường. Khử khuẩn que cấy đặt lên giá. Đặt ống môi trường đã ria cấy vào tủ ấm.
- Đối với môi trường xác định tính chất sinh vật hoá học của vi khuẩn, ống môi trường có thể có cả phần đứng và phần nghiêng. Đầu tiên vi khuẩn được cắm sâu vào phần đứng, sau đó kéo que cẩy lên ria trên bề mặt phần nghiêng. 


No comments:

Post a Comment